Bối cảnh Chiến_dịch_đổ_bộ_đường_không_Rzhishchev-Bukrin

Sau một loạt các hoạt động tấn công của giai đoạn "hậu chiến dịch Kursk", đến cuối tháng 9 năm 1943, Quân đội Liên Xô đã áp sát bờ tả ngạn sông Dniepr, trừ khu vực Nam Zaporozhe đến hồ Molochnaya sát Biển Đen còn tạm thời nằm trong tay Tập đoàn quân 6 (Đức) khoảng một tháng sau. Trong quá trình tấn công, các tập đoàn quân đi trước của các phương diện quân đã chiếm được một số căn cứ đầu cầu nhỏ bên hữu ngạn sông Dniepr nhưng trước sức chống cự mạnh của quân đội Đức Quốc xã và địa hình bất lợi, họ phải rất chật vật mới giữ được các căn cứ nhỏ hẹp này.[3] Trong số các đầu cầu bên hữu ngạn Dniepr, Bộ tư lệnh Phương diện quân Voronezh nhận thấy khu vực Rzhishchev-Bukrin có nhiều điều kiện khả quan để làm bàn đạp mở đường tấn công vào từ phía Nam và Tây Nam. Tin tưởng vào nhận định của mình, tướng N. F. Vatutin báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô dự kiến kế hoạch của mình.[4]

Địa hình khu vực đầu cầo Bukrin có hình một mảng trăng lưỡi liềm nhô về phía Đông Bắc. Bờ sông có những đoạn dốc cao đến 60 – 80 m. Điểm cao nhất trong khu vực là đồi Grigogyevka, cao 150 m. Về mùa tuyết tan, mép nước sát ngay chân dốc. Về mùa cạn, từ mép nước đến chân dốc là một bãi bùn khô rộng vài chục mét. Mặt bằng khu vực bị chia cắt bởi một số khe sâu 30 đến 40 m với nhiều bờ đá. Tuy nhiên, địa hình khu vực Rzhishchev-Bukrin chỉ có lợi về mặt sông nước. Do khúc uốn của nó từ Rzhishchev ở phía Bắc đến Bolshoy Bukrin ở phía Nam, sông Dniepr bao bọc khu vực này ở ba phía Tây Bắc, Đông Bắc và Đông Nam, có thể che chắn hai bên sườn cho các đơn vị Liên Xô đóng quân tại đây.[5] Nhưng điểm bất lợi nhất của khu vực này là bờ sông phía Tây cao và nhiều dốc đứng, làm cho việc vượt sông bằng cầu phao trở nên phức tạp. Với nhiều khe lạch chia cắt, đây là khu vực giấu quân tốt nhưng lại cản trở việc phát triển tấn công, nhất là đối với xe tăng, cơ giới. Ban đầu, cả Bộ tư lệnh Phương diện quân Voronezh lẫn Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đều chưa nhận thấy những điểm bất lợi này.[6]